TIN TỨC PHONG THUỶ
NHỮNG TỤC LỆ TRONG MA CHAY (2)
NHỮNG TỤC LỆ
TRONG TANG MA
Kỳ trước chúng tôi có bài viết về các phong tục tập quán xưa và nay trong tang ma của người Việt chúng ta. Thời gian vừa qua đời đến khi di quan hạ huyệt. Kỳ này là những tục lệ sau khi gia đình có người vừa qua đời :
SAU KHI CHẾT
A/- MỞ CỬA MẢ
Trong ba ngày sau khi mới chôn, gia đình tang gia trở ra mộ làm lễ mở cửa mả, thường thì trong nhà làm lấy, người giàu mời thêm thầy cúng đến dùng con gà trắng hay con chó đen, để cúng thổ thần (ngày trước họ giết gà chó ngay tại đấy, lấy máu mà tưới lên quanh ngôi mộ, nay chỉ còn thả cho gà, chó tự chạy như để phóng thích, phóng sinh. Các thầy cúng dùng lươn, cá chép, ốc (tam sên), một cây mía lao cùng nhiều loại giấy tiền vàng bạc để cúng và yểm bùa, cho rằng làm như thế thì trừ được hung thần không cho quậy phá hồn người chết, sau để hồn về nơi thờ cúng trong nhà.
Sau khi làm lễ mở cửa mả xong, các con cái bắt đầu dọn mộ hay xây mộ cho thân nhân (trong 49 ngày đầu, tức còn trong lễ thất tuần) tang gia có thể xây mộ mà không cần xem ngày giờ tốt xấu.
B/- CÚNG THẤT TUẦN & CHUNG THẤT
Theo phong tục khi người chết đã chôn cất xong, gia đình phải làm lễ thất tuần (tức làm tuần, trong 7 tuần lễ liền), tính ngày người chết mới tắt thở.
Các con cái chịu tang phải về đầy đủ, mặc lại tang phục và cúng cơm cho người chết, thầy cúng hoặc nhà sư đến tụng niệm (trước đây, có tục người nào lo việc hương hỏa trong gia tộc, hàng ngày phải dâng cơm ngày hai buổi và phải khóc lóc thảm thiết, van xin hồn người chết về dùng cơm).
Cơm cúng cho người chết (mỗi khi cúng cơm) đều là những món chay, nhằm cho người chết được nhẹ nhàng hồn vía, sớm siêu thăng miền cực lạc, có người cho rằng cúng chay là để hồn người chết sớm quy y cửa Phật, nương nhờ cửa Phật mà không về với gia đình (vì gia đình thường ăn mặn, không hợp lẽ tu hành).
Khi cúng đủ 6 tuần, đến tuần thứ 7 gọi là lễ chung thất. Thường lễ chung thất(49 ngày) và lễ tốt khốc 100 ngày, các gia đình tổ chức rất lớn, có mời họ hàng, xóm giềng đến dự.
Trước là cho một số con cái cháu chắt xả tang, vì cho rằng trong 49 ngày qua, hồn người chết đã yên ổn ở các nơi (có ý cho là người chết có 3 hồn, một ở nơi thờ cúng, một ở nơi chôn cất và một ở dưới tuyền đài chờ Diêm vương phán quyết), khi xả tang có thầy cúng hay nhà sư đến làm phép cho người đó.
Sau là gia đình tang gia cảm tạ các khách mời trong thời gian họ đến tống tang, bằng một bửa cơm thịnh soạn.
Những thông tin được quan tâm:
- Xem ngày tốt xấu, ngày hoàng đạo, hắc đạo theo phong thủy
- Xem hướng nhà tốt xấu, hướng nhà bạn có phải là hướng nhà đẹp hay không?
- Xem phong thủy số điện thoại theo mệnh tuổi năm sinh.
C/- TỐT KHỐC
Một trăm ngày là tuần tốt khốc, nghĩa là đến ngày này mới thôi khóc. Gia đình cũng mời họ hàng làng xóm đến chứng kiến, cũng có thủ tục xả tang như lễ chung thất. Và phá bỏ bàn vong (linh tọa), di ảnh được đưa lên bàn thờ nhưng không được cắm chung một bát nhang cùng với tổ tiên
D/- TIỂU TƯỜNG
Tròn một năm của người chết, gọi là ngày giỗ đầu hay lễ tiểu tường. Bấy giờ con cháu chịu tang (chưa xả tang) được bỏ tang phục, gậy mũ v.v… các lễ tục vẫn giống như khi làm lễ chung thất và lễ tốt khốc.
E/- ĐẠI TƯỜNG & ĐÀM TẾ
Sau hai năm giỗ tất gọi là đại tường, nếu tính theo năm âm lịch là để tang đã đủ ba năm. Tuy nhiên ngày đại tường này cũng chưa phải đã hết tang chế cho tang gia, mà sau đó còn một lễ khác có tên gọi lễ đàm tế.
Lễ này còn được gọi là lễ trừ phục sau 60 ngày (nhưng không nhất thiết phải đúng 2 tháng sau lễ đại tường, có gia đình chọn được ngày tốt, để tổ chức lễ đàm tế) Trong ngày lễ tất cả những gì còn gợi lại tang ma đều được đốt bỏ, mọi người được xả tang và thôi đau buồn nữa.
Trong những lễ tục tang ma nói trên, những gia đình khá giả trong những ngày lễ tiểu tường, đại tường họ thường đốt vàng mả, nào là nhà, xe, áo mão, rương hòm… có người dâng hình nhân làm người hầu hạ v.v… cho người chết.
Nhiều gia đình, sau khi làm lễ chung thất hay tốt khốc, họ xin dẫn vong linh về chùa để tu cho sớm được siêu thăng tịnh độ, nên những lễ tốt khốc, tiểu tường, đại tường, đàm tế đều tổ chức ở chùa, đốt vàng mả cũng tại đó. Còn đãi ăn thì tùy gia đình tang gia, mời ăn chay hoặc mặn mà chọn địa điểm.
oOo
Với các lễ tục tang ma như thế, và với những hủ tục mê tín trong ma chay, chúng ta thấy quá nhiều rườm rà và bi thiết. Ở các nước có nền văn minh tiên tiến, họ không quàng xác tại nhà quá 48 giờ, và không có cảnh đưa ma nào là hình tượng phước thần, ác thần, thể kỳ, minh tinh, bàn hương rồi các đội kèn giải, kèn tây đi dài mấy trăm mét, đó là chưa kể đến sự phô trương với nào là người hoặc xe thô sơ chở từng vòng hoa tươi hay vòng cườm của người đưa phúng viếng, kéo thành hàng dài lê thê.
Hiện nay cũng đã ít thấy xuất hiện người khóc mướn, có họ bạn sẽ thấy một tang gia quá hiếu đạo với người đã chết, họ lăn đường khóc than thảm thiết lắm, nhưng chính những người đang chịu tang có lòng hiếu đạo thật không, báo hiếu thật không, không ai biết được.
Trong một gia đình còn nhiều mê tín, người ta có tục đi tìm đất để chôn, đất phải kết phát tài lộc mới gọi là đắc địa, rồi xem ngày chọn giờ mới động quan, di quan có khi quàng xác tại nhà đến năm bảy ngày, hàng xóm láng giềng phiền lòng mà người trong cuộc cũng mệt mỏi và tốn kém.
Chúng ta thấy cần bỏ bớt những lễ tục không đáng phải phô trương, cho người chết được yên ổn mà về với cát bụi.
CẢI TÁNG
Thông thường muốn cải táng một mộ huyệt, ít nhất cũng sau ba năm kể từ ngày chôn cất, bởi khi ấy mùi tử khí cũng không còn ảnh hưởng những người đang quanh đó, và cũng hợp với đạo lý trong xã hội, trong đời sống, tập quán của người dân Việt.
Ngày xưa rất ít người chịu cải táng lại các mộ phần của ông bà cha mẹ, vì sợ động long mạch, phần còn lại có những lý do để cải táng :
- Khi cha mẹ mất, nhà nghèo nên không có tiền lo liệu mua những cổ quan tài tốt, nên đợi ba năm cho cải táng lại, kẻo áo quan cũ xấu hư nát có hại đến di hài.
- Hai là nơi chôn cất có mối kiến, sụp lỡ vì nước ngầm.
- Ba là vì các thầy phong thủy xem lại, thấy phần mộ bị sụp đất, hoặc cây cối trồng trên mộ tự nhiên bị khô héo.
- Còn một lý do, theo mê tín dị đoan, trong nhà có kẻ dâm loạn điên khùng, hoặc bị đau ốm liên miên, bị thị phi, kiện tụng thì cho là đất táng bị động không tốt.
- Lý do thứ tư là những người cầu mong có đường công danh phú quý, nhờ thầy địa lý phong thủy tìm nơi cát địa mà cải táng các mộ người thân. Hay có người ganh tỵ, khi thấy nhà nọ làm ăn khấm khá, liền cho cải táng thân nhân về gần nơi có mộ phần ông bà cha mẹ người đó, để cầu được hưởng dư huệ.
Ngày nay việc cải táng còn nhiều nguyên nhân khách quan khác, như chuyển nghĩa trang ra khỏi thành phố, khu đất được quy hoạch trở thành khu dân cư …
Về mặt chủ quan khi cải táng gặp những điều sau đây thì không nên cải táng nữa :
- Khi đào huyệt mộ thấy có con rắn vàng đang sinh sống, cho là điềm cát tường (Long xà khí vật). Hai là khi mở quan tài thấy có dây tơ hồng quấn quít, thì cho rằng đất kết. Ba là hơi đất chỗ quan tài ấm áp, không có nước, khô ráo hoặc có nước đọng như màu sửa là tốt. Khi gặp những điều trên đây phải đắp lại ngay.
Trước khi cải táng, gia đình người chết phải tổ chức tại nơi thờ phụng một lễ cáo đường. Đến khi động đất cải táng, thêm một lễ báo với thổ thần, thổ địa xin cho được cải táng. Khi thực hiện phần việc gom hài cốt, nhặt lấy xương xếp vào tiểu sành, rẩy nước hoa, lúc hoàn tất phải hàn nắp tiểu sành cho thật kín, không cho ánh sáng lọt vào. Sử dụng tiểu sành có ý đưa hài cốt đi gửi ở chùa, hay đem về nhờ thờ tự, còn đưa đi chôn ở huyệt khác, thì dùng quan quách loại nhỏ, gắn hài cốt như hình người và tẩn liệm thật kỹ như lúc họ vừa mới chết vậy.
Áo quan cũ dù còn tốt nhưng không dùng phải bỏ đi. Một số người ở nông thôn thường đem về làm chuồng heo, bò, trâu, ngựa để các con vật nuôi không bị sâu chân. Một số người khác do mê tín, lấy những mảnh áo quan dùng làm bàn cơ bói toán, hoặc ai đau tức thì lấy nó đốt lên, hay để dưới gầm giường cho hơi bốc lên, cho cơn đau tức được thuyên giảm.
KỴ NHẬT
Khi ông bà cha mẹ chết đi, ngoài con trai trưởng, hay dòng tộc trưởng thờ cúng (tổ tiên), hàng năm cứ đến ngày mất mà làm lễ giỗ, gọi là kỵ nhật.
Theo phong tục, trước ngày giỗ kỵ vào buổi chiều người nhà soạn mâm cúng đơn giản, gọi là bửa tiên thường, hôm giỗ gọi là chính kỵ. Lễ tiên thường là thủ tục gửi lời mời đến người chết hôm sau về nhà nhận lễ cúng kỵ.
Trong ngày chính kỵ, nếu giỗ xa (cụ kỵ ông bà) chỉ mâm xôi, gà luộc, rồi giò chả là đủ; còn giỗ gần (cha mẹ) cũng bằng thứ ấy thêm vài món canh, món xào, món chiên, món kho… Trên bàn thờ có mâm cơm chay, và dù giỗ xa giỗ gần, làm lớn hay nhỏ, nhất nhất phải có chén cơm úp đôi, bên trên để quả trứng gà luộc.
Những gia đình nghèo cũng chỉ cần lưng cơm quả trứng, dâng lên bàn thờ cũng đã chứng tỏ được lòng thành tưởng nhớ đến ngày mất của cha mẹ rồi. Những nhà khá giả lấy ngày kỵ nhật này tổ chức đám tiệc đông đảo, ngoài bà con họ hàng, anh chị em, con cháu, lại mời hàng xóm, thân hữu đến dự. Tuy những đám tiệc như thế cũng không vượt ngoài sự tưởng niệm, báo hiếu người đã mất, nhưng xét về ý niệm ngày giỗ kỵ lại sai đi.
Ngày giỗ kỵ là một ngày chung thân chi tang, là ngày thương nhớ, tưởng niệm người đã mất, có nên tổ chức thành đám to đám nhỏ ăn uống no say, cười đùa cả buổi ?!
Ở Âu – Mỹ người ta kỷ niệm những ngày giỗ kỵ như thế, bằng hình thức rất giản đơn, nếu có mộ phần, họ đem hoa ra mộ mà cắm, rồi xin một lễ ở nhà thờ hay chùa chiền, xin cầu siêu cho người chết sớm siêu thoát. Ở Á đông, người Nhật, người Hàn Quốc cũng có ảnh hưởng nhiều bởi phong tục tập quán từ người Trung Quốc, nhưng họ cũng chỉ một bó hoa ra mộ, rồi xin cầu siêu ở chùa chiền như người phương tây mà thôi.
ĐỌC THÊM
ĐÁM CƯỚI CHẠY TANG
Khi gia đình đôi nam nữ đã xem ngày chọn giờ tổ chức ngày cưới, bỗng tứ thân phụ mẫu nhà trai hay nhà gái xảy ra tang chế, nhất là bên nhà trai chú rể phải chịu đại tang đúng ba năm, còn xảy ra bên nhà gái cô dâu cũng chịu tang cơ niên một năm.
Có nơi không thể chờ ngày mãn tang, với những lý do chủ quan nhiều hơn là khách quan, cũng như ngoài đời thường có câu “cưới vợ nên cưới liền tay, chớ để lâu ngày có kẻ dèm pha”.
Vì không thể chờ đến ba năm hay một năm tang chế, nhiều gia đình cho làm đám cưới chạy tang. Người xưa gọi đó là “Ưu hỉ trùng phùng” (vui buồn cùng lúc).
Theo phong tục, nếu có người chết trong nhà là ông bà cha mẹ, muốn có đám cưới chạy tang thì chưa cho may thành phục (áo tang), chưa liệm thì chưa ai khóc, hàng xóm có biết nhưng chưa thấy nhập quan chưa ai đến viếng.
Nhà trai hay nhà gái liền mang mâm lễ qua nhà nhau xin ý kiến, nếu được chấp thuận đám cưới sẽ được tiến hành ngay trong ngày hay ngày hôm sau, không cần xem ngày chỉ cần giờ hoàng đạo là được; còn nếu không được chấp nhận thì đành chờ mãn tang hay sau ngày xin xả tang (chỉ có con trai thứ xin xả tang trước ba năm, còn con trai trưởng phải đủ ba năm sau lễ đàm tế).
Lễ cưới cũng có đưa rước dâu, cúng gia tiên hai họ và nhập phòng lấy ngày, lễ vật cũng đơn giản cho đủ hình thức nhưng không thiếu trầu cau và trà rượu. Không đình đám, họ hàng hai bên cũng hạn chế số người dự, thường là trong phạm vi gia đình hai họ và các chú bác cô dì, cùng vài bạn bè thân nhất.
Khi đám cưới hoàn tất xong các nghi lễ, gia đình mới bắt đầu may thành phục và lo chuyện nhập quan cho người chết. Cô dâu chú rể lúc này đã là thành viên trong gia đình, chịu tang như mọi đám tang khác, là nhà trai chịu tang chú rể không được quan hệ xác thịt trước ngày tốt khốc (100 ngày), còn nhà gái chịu tang chỉ sau ngày mở cửa mả hay sau lễ chung thất (49 ngày).
Thông thường khi trong gia đình có ông bà cha mẹ đau bệnh đang chờ chết khó qua khỏi ngày lễ cưới đã định, việc tổ chức đám cưới chạy tang có phần đình đám như những đám cưới khác, chỉ cần xem lại ngày gần nhất để tổ chức.
SimPhongThuy.Vn
Nếu quý bạn muốn kích công danh, sự nghiệp, tài vận, gia đạo, tình duyên hay giải hạn, bạn có thể chọn sim phong thủy trong kho sim phong thủy hợp từng công việc sau đây: